Chiến tranh Kim–Bắc Tống Chiến tranh Kim – Tống

Bức tượng hiện đại của Hoàng đế Kim Thái Tông tại Bảo tàng Kim Thượng kinh. Thái Tông là người ra lệnh cho các chiến dịch quân sự dẫn đến sự sụp đổ của Bắc Tống vào năm 1127.

Sự sụp đổ của liên minh Tống–Kim

Chỉ một tháng sau khi nhà Tống thu phục được Yên Kinh, Trương Giác, người từng giữ chức tiết độ sứ nước Liêu ở Bình Châu, cách 200 km về phía đông Yên Kinh, giết chết một viên quan nước Kim và sáp nhập Bình Châu vào đất Tống.[20] Vài tháng sau, quân của Trương Giác bị người Nữ Chân đánh bại khiến ông đành phải lui về ẩn náu ở Yên Kinh. Mặc dù phía nhà Tống đồng ý xử tử Trương Giác vào cuối năm 1123, nhưng sự kiện này đã dấy lên mối căng thẳng giữa hai quốc gia vì hiệp ước năm 1123 đã từng cấm hẳn hai bên chứa chấp những kẻ đào ngũ.[21] Năm 1124, các quan chức Tống càng khiến nhà Kim tức giận khi yêu cầu nhượng lại 9 châu biên giới.[21] Tân hoàng đế Kim Thái Tông (cai trị 1123–1135), em trai và là người kế vị của A Cốt Đả, tỏ ra do dự, nhưng các hoàng tử chiến binh Hoàn Nhan Tông HànHoàn Nhan Tông Vọng đã kịch liệt phản đối, quyết không giao thêm lãnh thổ. Dù Kim Thái Tông quyết định trả lại hai châu, nhưng các nhà lãnh đạo Kim cũng đã sẵn sàng tấn công nước láng giềng phía nam của họ.[22]

Trước khi tiến hành xâm lược nhà Tống, người Nữ Chân kí kết một thỏa thuận hòa bình với nước láng giềng phía tây là Tây Hạ vào năm 1124. Ngay trong năm sau, họ bắt được Thiên Tộ, hoàng đế cuối cùng của nhà Liêu ở gần vùng sa mạc Ordos, chính thức tiêu diệt triều đại này.[23] Sẵn sàng hủy bỏ liên minh với nhà Tống, người Nữ Chân đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.[24]

Chiến dịch đầu tiên

Tháng 11 năm 1125, Kim Thái Tông ra lệnh cho quân đội tấn công nhà Tống.[23] Vụ đào ngũ của Trương Giác hai năm trước được lấy làm cái cớ gây chiến.[21] Nhà Kim điều hai đội quân đi đánh chiếm các thành phố lớn của nhà Tống.[22]

Bao vây Thái Nguyên

Đạo quân phía tây do Hoàn Nhan Tông Hàn chỉ huy, khởi hành từ Đại Đồng tiến tới Thái Nguyên, xuyên qua vùng núi Sơn Tây, trực chỉ hướng kinh đô Lạc Dương của nhà Tống.[25] Quân Tống không hề tiên liệu trước về một cuộc xâm lược và đã hoàn toàn mất cảnh giác. Tướng Hán là Đồng Quán nghe tin về cuộc chinh phạt từ một sứ thần mà ông gửi tới nhà Kim để thương lượng giành lại hai châu quận. Vị sứ thần này trở về và báo cáo rằng người Nữ Chân sẵn sàng từ bỏ xâm lược nếu nhà Tống nhường quyền kiểm soát Hà Bắc và Sơn Tây cho họ.[26] Đồng Quán tháo chạy khỏi Thái Nguyên và giao quyền chỉ huy quân đội cho Vương Bình.[27] Quân Kim bao vây Thái Nguyên vào giữa tháng 1 năm 1126.[28] Dưới sự chỉ huy của Vương Bình, Thái Nguyên cầm cự đủ lâu để níu chân người Nữ Chân trên đường tới Lạc Dương.[27]

Vây hãm Khai Phong lần thứ nhất

Nhà Kim xâm lược nhà Tống lần thứ nhất, 1125–1126Hoàng đế Tống Huy Tông rời Khai Phong vào ngày 28 tháng 1 năm 1126 khi quân đội Nữ Chân tiếp cận thành phố.

Cùng lúc này, đội quân phía đông, do Hoàn Nhan Tông Vọng chỉ huy, được điều động tới Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay) và cuối cùng là kinh đô Khai Phong của nhà Tống. Quân Kim không vấp phải quá nhiều cản trở. Tông Vọng dễ dàng chiếm được Yên Kinh, nơi tướng Tống và cựu tiết độ sứ nước Liêu là Quách Dược Sư đồng ý quy phục nhà Kim.[27] Khi nhà Tống cố gắng giành lấy Yên Vân thập lục châu, họ vấp phải sự phản kháng quyết liệt của người Hán, nhưng khi người Nữ Chân xâm chiếm khu vực này, người Hán lại không hề chống lại họ.[29] Đến cuối tháng 12 năm 1125, quân Kim đã giành lại quyền kiểm soát hai châu quận và tái lập quyền cai trị của người Nữ Chân đối với Yên Vân thập lục châu.[26] Đầu năm 1126, nhánh quân Kim phía đông tiến sát Khai Phong.[27]

Lo sợ quân Kim đang ngày càng đến gần, Tống Huy Tông lên kế hoạch rút lui về phía nam. Hoàng đế bỏ kinh đô được xem như một hành động đầu hàng, vì vậy các quan lại trong triều đã thuyết phục Huy Tông thoái vị.[27] Có rất ít ý kiến phản đối quyết định này vì việc giải cứu một đế quốc khủng hoảng khỏi sự tàn vong quan trọng hơn việc bảo tồn các nghi lễ kế thừa hoàng gia. Tháng 1 năm 1126, vài ngày trước Tết Nguyên Đán, Huy Tông thoái vị để ủng hộ con trai mình lên ngôi và nhận chức Thái Thượng Hoàng với một vai trò mang tính nghi lễ.[30] Ngày 27 tháng 1 năm 1126, hai ngày sau năm mới, người Nữ Chân tiến đến sông Hoàng Hà.[23] Ngày hôm sau, Huy Tông bỏ trốn khỏi Khai Phong, chạy về phía nam và để tân hoàng đế Khâm Tông (cai trị 1126–1127) tiếp quản kinh đô.[23]

Ngày 31 tháng 1 năm 1126, Khai Phong bị bao vây.[31] Chỉ huy quân đội Nữ Chân hứa sẽ tha cho thành phố nếu nhà Tống chịu nhận làm chư hầu, thần phục nhà Kim; giao nộp tể tướng phế truất và một hoàng thân làm tù binh; nhượng hết các châu quận Hà Gian, Thái Nguyên, Trung Sơn; và bồi thường 50 triệu lượng bạc, 5 triệu lượng vàng, 1 triệu tấm lụa, 1 triệu tấm sa tanh, 10.000 ngựa, 10.000 gia súc, 1.000 lạc đà.[32] Khoản phí kể trên có giá trị bằng khoảng 180 năm nhà Tống cống nạp cho nhà Kim từ năm 1123.[33]

Khi triển vọng về một lực lượng viện binh cứu trợ đã cạn kiệt, đấu đá nội bộ bắt đầu nổ ra trong triều đình nhà Tống giữa các quan chức ủng hộ đề nghị của quân Kim và những người kịch liệt phản đối.[30] Những người phản đối như Lý Cương (1083–1140) tập trung vào ý tưởng bám trụ tại các vị trí phòng thủ cho tới khi quân tiếp viện đến và nguồn cung của người Nữ Chân dần cạn kiệt. Họ phá hỏng một cuộc tập kích quân Kim vào ban đêm và bị thay thế bởi các quan chức ủng hộ đàm phán hòa bình.[34] Đợt tấn công thất bại buộc Khâm Tông phải đáp ứng các yêu cầu của quân Kim, giới quan lại trong triều cũng thuyết phục ông tiến hành thỏa thuận với người Nữ Chân.[35] Nhà Tống công nhận quyền kiểm soát của nhà Kim đối với ba châu quận.[36] Tháng 3 năm 1126, quân Kim kết thúc cuộc vây hãm sau 33 ngày.[31]

Chiến dịch thứ hai

Gần như ngay sau khi quân Kim rời Khai Phong, Tống Khâm Tông bội ước và điều động hai đội quân đẩy lùi người Nữ Chân đang tấn công Thái Nguyên, đồng thời củng cố phòng thủ ở Trung Sơn và Hà Gian. Một binh đoàn với 9 vạn binh sĩ và một binh đoàn khác với 6 vạn binh sĩ đều bị quân Kim đánh bại vào tháng 6. Chuyến viễn chinh giải nguy Thái Nguyên lần hai của quân Tống cũng thất bại.[31]

Lên án nhà Tống vi phạm hiệp định và nhận thấy sự yếu kém của họ, các tướng lĩnh Kim mở chiến dịch trừng phạt lần hai, lần này họ vẫn tiếp tục chia quân làm hai đạo.[37] Hoàn Nhan Tông Hàn đã rời Thái Nguyên sau hiệp định ở Khai Phong, chỉ để lại một lực lượng nhỏ lãnh nhiệm vụ bao vây, quay trở lại cùng binh đoàn phía tây của mình. Choáng ngợp trước sức tấn công của kẻ địch, Thái Nguyên thất thủ vào tháng 9 năm 1126, sau 260 ngày bị vây ráp.[38] Khi triều đình nhà Tống nhận tin Thái Nguyên thất thủ, các quan chức chủ chiến lại không được tin tưởng mà bị thay thế bằng những cố vấn ủng hộ chiến lược xoa dịu.[39] Giữa tháng 12, hai cánh quân Nữ Chân tập trung tại Khai Phong lần thứ hai trong năm.[31]

Vây hãm Khai Phong lần thứ hai

Bài chi tiết: Sự kiện Tĩnh Khang

Sau khi một số binh đoàn Tống bại trận ở phía bắc, Tống Khâm Tông lại muốn thương lượng đình chiến với nhà Kim, nhưng ông đã phạm phải một sai lầm chiến lược nghiêm trọng khi chỉ huy các lực lượng còn lại của mình dồn sức bảo vệ các thành phố châu quận thay vì Khai Phong. Không quan tâm tới tầm quan trọng của kinh đô, Khâm Tông chỉ để lại ít hơn 10 vạn binh sĩ trấn thủ Khai Phong. Quân Tống bị phân tán khắp đất nước, bất lực trong việc ngăn chặn cuộc bao vây lần hai của người Nữ Chân.[31]

Quân Kim bắt đầu tấn công vào giữa tháng 12 năm 1126. Ngay cả khi giao tranh đã nổ ra, Tống Khâm Tông vẫn tiếp tục kêu gọi hòa bình, nhưng tham vọng lãnh thổ của nhà Kim lần này là rất lớn: họ muốn chiếm tất cả các tỉnh phía bắc Hoàng Hà.[40] Sau hơn hai mươi ngày chiến đấu với cường độ cao trong vòng vây của quân địch, lực lượng phòng thủ của nhà Tống dần tiêu hao và tinh thần binh sĩ thì ngày càng tuột dốc.[41] Ngày 9 tháng 11 năm 1127, người Nữ Chân đột phá và bắt đầu cướp bóc các thành phố. Tống Khâm Tông cố gắng xoa dịu người Nữ Chân bằng cách cống nạp toàn bộ của cải còn lại của kinh đô. Kho bạc hoàng gia bị vét cạn, đồ đạc của dân trong thành cũng bị thu giữ.[42] Chỉ vài ngày sau, Hoàng đế nhà Tống đề nghị đầu hàng vô điều kiện.[43]

Khâm Tông, cựu hoàng Huy Tông, và các thành viên của triều đình nhà Tống bị người Nữ Chân bắt làm con tin.[33] Họ bị đưa tới Hội Ninh (ngày nay là Cáp Nhĩ Tân) ở phía bắc, bị tước hết các đặc quyền hoàng gia và giáng xuống làm thường dân.[44] Hai vị cựu hoàng bị quân giặc sỉ nhục. Người Nữ Chân chế giễu họ với những cái tên như "Hôn Đức công" và "Trùng Hôn hầu".[lower-alpha 3] Năm 1128, nhà Kim bắt họ thực hiện một nghi lễ dành cho tội phạm chiến tranh.[45] Sau cái chết của Huy Tông vào năm 1135, nhà Kim bớt đối xử hà khắc với hoàng gia nhà Tống. Huy Tông được truy phong tước hiệu còn con trai ông là Khâm Tông được phong tước Công, một tước vị có bổng lộc.[46]

Nguyên nhân nhà Tống thất bại

Một bức tranh của Tống Huy Tông. Sự quan tâm quá mức của ông đối với nghệ thuật có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của Bắc Tống.

Có nhiều yếu tố đã góp phần khiến nhà Tống liên tục mắc sai lầm quân sự để rồi cuối cùng mất luôn cả miền bắc Trung Quốc vào tay người Nữ Chân. Các nguồn truyền thống về lịch sử nhà Tống cho rằng việc triều đình Huy Tông dễ bị mua chuộc là nguyên nhân chính cho sự suy tàn của cả vương triều.[47] Chúng đều lên án Huy Tông và các quan lại của ông vì sự hủ bại đạo đức.[48] Các hoàng đế nhà Tống thời kỳ đầu rất mong muốn ban hành các biến pháp chính trị và phục hồi khuôn khổ đạo đức Nho giáo, nhưng lòng nhiệt thành thay đổi này đã dần mất đi sau khi nhà cải cách Vương An Thạch bị phế chức tể tướng vào năm 1076.[49] Nạn tham nhũng đã hủy hoại triều đại của Tống Huy Tông, một vị vua giỏi vẽ vời hơn là cai trị. Huy Tông cũng là người nổi tiếng xa hoa, ông đổ tiền xây dựng các khu vườn tược và đền đài tốn kém trong khi các cuộc nổi dậy đang đe dọa khả năng kiểm soát quyền lực của nhà nước.[50]

Phân tích hiện đại của Ari Daniel Levine thì lại đổ lỗi nhiều hơn cho những khiếm khuyết trong giới lãnh đạo quan liêu và lực lượng quân đội. Việc để mất miền bắc Trung Quốc không phải là điều tất yếu.[47] Quân đội Tống đã bị quản lý quá mức bởi một chính quyền có thừa sự tự tin vào sức mạnh quốc phòng của bản thân. Tống Huy Tông đã chuyển nguồn lực nhà nước vào các chiến dịch thất bại trước Tây Hạ. Việc nhà Tống khăng khăng đòi thêm phần lãnh thổ nhà Liêu chỉ đem lại thành công trong việc khiêu khích đồng minh Nữ Chân của họ.[51] Các quan sát ngoại giao của nhà Tống đã đánh giá thấp nhà Kim và để cho người Nữ Chân gia tăng sức mạnh quân sự mà không bị cản trở.[52] Ngoại trừ chiến mã, nhà Tống có nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào, nhưng họ lại quản lý tài sản rất kém trong các trận chiến.[53] Không giống như các đế chế HánĐường từng bành trướng trước nhà Tống, nhà Tống không có chỗ đứng đáng kể ở Trung Á, nơi họ có thể mua hoặc nhân giống số lượng lớn chiến mã.[54] Như tướng Tống là Lý Cương đã lưu ý rằng nếu không có nguồn cung ngựa ổn định thì triều Tống sẽ gặp bất lợi đáng kể trước kỵ binh Nữ Chân: "Quân Kim giành chiến thắng chỉ vì họ có lực lượng thiết giáp kỵ binh, trong khi chúng ta chỉ có bộ binh để đối mặt với họ. Vậy cũng là lẽ thường tình khi lính của ta chạy tán loạn và tự phá nát hàng ngũ."[55]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến tranh Kim – Tống http://xh.5156edu.com/html5/53525.html //doi.org/10.1017%2FS0041977X02000320 //doi.org/10.2307%2F2646446 //www.jstor.org/stable/2646446 http://www.npm.gov.tw/hotnews/9910seminar/download... https://books.google.com/books?id=3SmKDwAAQBAJ&q=s... https://books.google.com/books?id=6D4attcqvOQC&q=5... https://books.google.com/books?id=6XfRAgAAQBAJ&pg=... https://books.google.com/books?id=IdYGiGan4o8C&pg=... https://books.google.com/books?id=YQMUNgAACAAJ